Trái nhàu sở hữu nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt có thể cải thiện sức khỏe về tim mạch và xương khớp. Ngoài ra, quả nhàu còn được sử dụng làm các bài thuốc Đông Y trị tiểu đường. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu thêm về tác dụng và một số lưu ý khi sử dụng trái nhàu.
Đặc điểm của cây nhàu
Cây nhàu thuộc họ Cà phê, còn được gọi là cây ngao, nhàu rừng, hay nhàu núi. Đây là một loại cây thân gỗ, cao khoảng 6-8 mét. Thân cây có hình dáng nhẵn, cành hơi dẹt, với rãnh màu lục hoặc nâu nhạt. Lá của cây nhàu thường mọc đối xứng, có hình dạng bầu dục hoặc hình trứng. Hoa của cây mọc tại kẽ lá, ban đầu có màu trắng sau chuyển sang màu vàng nhạt. Quả của cây nhàu có hình dạng trứng hoặc hình cầu, bên trong có nhiều quả hạch dính vào nhau. Khi chín, quả thường có màu vàng nhạt.
Thành phần hoạt chất có trong bộ phận của cây nhàu
Trong các phần của cây nhàu, chúng ta có thể tìm thấy các hoạt chất sau:
- Vỏ rễ nhàu chứa moridon, axit rubicloric, alizarin methyl ether và một số chất của hợp chất anthraquinon.
- Lá nhàu chứa iridoid glycosid chống vi rút, chống viêm, bảo vệ gan và kháng khuẩn.
- Quả nhàu bao gồm các thành phần như damnacanthal, tinh dầu, rutin, axit asperuloside, nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó có selen.
Tác dụng điều trị bệnh của trái nhàu
Hầu hết các bộ phận của cây nhàu đều có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, quả nhàu thường là bộ phận phổ biến nhất được sử dụng. Thường quả nhàu được ép lấy nước hoặc ngâm trong rượu. Dưới đây là một số tác dụng nổi bật của quả nhàu đối với sức khỏe.
Tác dụng nhuận tràng, hỗ trợ hệ tiêu hóa
Theo Đông y, trái nhàu có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hoá, lợi tiểu, giúp điều trị táo bón và làm co giãn cơ trơn. Dịch tiết có trong trái nhàu có khả năng kiểm soát dịch trong niêm mạc dạ dày, giúp giảm bớt triệu chứng trào ngược dạ dày và ngăn ngừa viêm loét dạ dày.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Trái nhàu có thể được ép để lấy nước uống hàng ngày. Nước ép quả nhàu chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho tim mạch, giúp cải thiện tuần hoàn máu, ngăn chặn tình trạng đông máu cục bộ và làm giảm nguy cơ đột quỵ. Theo nghiên cứu mới nhất từ Đại học Y Khoa Illinois, Mỹ, việc tiêu thụ nước ép nhàu hàng ngày đã được chứng minh giúp giảm lượng cholesterol có hại. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn kích thích các phản ứng trong cơ thể, duy trì khả năng hoạt động lâu dài.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Người bị bệnh đái tháo đường nên uống nước ép từ trái nhàu. Bởi các chất dinh dưỡng trong trái nhàu đã được chứng minh có khả năng hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết. Cụ thể, sau khi tiêu thụ nước ép trái nhàu, cân bằng glycosylated hemoglobin cùng với huyết thanh cholesterol lipoprotein có thể được điều chỉnh để đạt mức phù hợp. Ngoài ra, tinh chất tự nhiên từ trái nhàu còn có thể kích thích insulin, tăng cường khả năng hấp thụ đường glucose.
Giảm mệt mỏi, tăng sự tập trung
Trái nhàu được xem là một loại dược liệu giúp giảm mệt mỏi và duy trì sự hoạt động thể lực. Các tinh chất có trong trái nhàu khi được hấp thụ vào cơ thể có thể thúc đẩy quá trình lưu thông máu đến não, giúp cải thiện trí nhớ và tăng cường khả năng tập trung.
Tốt cho xương khớp
Nước ép từ trái nhàu không chỉ có lợi cho tim mạch mà còn có lợi cho sức khỏe xương khớp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của tinh chất từ trái nhàu cải thiện chức năng xương khớp và giúp xương chắc khỏe.
Tăng cường sức đề kháng
Trái nhàu có khả năng loại bỏ độc tố và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Trái nhàu được coi là một loại thuốc hiệu quả trong việc chữa cảm cúm, giảm Sốt và điều trị bệnh hen suyễn.
Cách sử dụng trái nhàu
Có một số cách sử dụng trái nhàu như:
- Chấm muối ăn trực tiếp.
- Ép nước uống: Chọn những quả trái nhàu to, chín vàng, ép chung với đường hoặc mật ong. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp ép trái nhàu với nhiều loại rau củ quả khác.
- Trái nhàu ngâm đường hoặc mật ong.
- Trái nhàu ngâm rượu.